Tại buổi giao lưu, các khách mời là những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước như “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở'', “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, "Chuyển đổi số", “Thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”... đã chia sẻ những câu chuyện, cách làm hay, đóng góp cho xã hội.
Tiêu biểu trong số đó là anh Nguyễn Minh Kiều (Công ty dịch vụ thương mại và sản xuất Song Ân, Thành phố Hồ Chí Minh). Anh dành nhiều tâm huyết để phát triển các dự án về công nghệ thông tin cho ngành Y tế, trong đó nổi bật là sản phẩm Hệ sinh thái phần mềm quản lý bệnh viện Ehis – Đoạt giải 3 Cuộc thi y tế thông minh 2018, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2019.
Hiện hệ thống sản phẩm phần mềm của Song Ân đã và đang được tin dùng ở hơn 50 bệnh viện, hơn 1.000 phòng khám và trạm y tế xã, phường, 1.500 nhà thuốc và hai viện dưỡng lão trên khắp cả nước, hỗ trợ tốt công tác khám chữa bệnh.
Một tấm gương khác là anh Lại Văn Hiệp (Công ty TNHH thương mại Nguồn lực Biển Đông), dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong nghiên cứu, khởi nghiệp sản xuất và xuất khẩu than trắng cao cấp theo công nghệ Nhật Bản, mang thương hiệu KyoBin.
Hiện doanh nghiệp của anh có quy mô 100 lao động, với mức lương trung bình từ 7 đến 10,5 triệu đồng/tháng; sản xuất và xuất khẩu khoảng 2.000 tấn than trắng, 1.300 tấn than đen sang thị trường nước ngoài mỗi năm.
Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Huyền đã có hơn 22 năm giảng dạy bộ môn Hóa học tại Trường THCS Quang Trung, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Cô đã luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo về nội dung và phương pháp dạy học, góp phần bồi dưỡng niềm đam mê, yêu thích bộ môn Hóa học trong các thế hệ học sinh.
Cô đã góp phần đào tạo nhiều học sinh giỏi Hóa các cấp, hướng dẫn học trò thực hiện nhiều dự án học tập ý nghĩa, tạo ra những sản phẩm thiết thực, thân thiện với môi trường như thỏi son dưỡng môi, túi bột ngâm chân làm từ nguyên liệu hữu cơ....
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiêu biểu có anh Phạm Xuân Thủy, ở xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Anh là tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi với quy mô lớn, khoảng 160.000 con gà thịt, 1.000 con lợn/lứa. Trang trại của anh đã tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 25 lao động tại địa phương với mức thu nhập hàng tháng bình quân từ 7 triệu đến 10 triệu đồng/người.