TẠI SAO PHẢI ỨNG DỤNG QUẢN LÝ VÀO HỆ THỐNG Y TẾ?
Khi chúng ta nghĩ về bệnh viện với quá nhiều tồn tại, quá nhiều khó chịu từ việc phải chờ quá lâu, thái độ giao tiếp quá kém, thiếu vệ sinh… cho đến những sai sót từ nhỏ đến phức tạp, hay lương bác sĩ quá thấp hoặc kể cả là cái việc đậu vào đại học Y lại đi nghĩa vụ quân sự, chúng ta đã nghĩ đến quản lý - lãnh đạo, nhưng có lẽ chúng ta cần để ý thêm một chút nữa để nhận ra tất cả những tồn tại của hệ thống y tế (mà những ví dụ trên chỉ là một phần nhỏ) đều liên quan đến nhau và cái chúng ta cần hơn hết chính là nhìn hệ thống y tế ở một góc khác hơn là bệnh tật, triệu chứng, xét nghiệm, thuốc men, phẫu thuật… mà là góc nhìn từ phía khoa học về quản lý, lãnh đạo.
Có lẽ ai cũng đồng ý rằng bệnh viện là một công ty, vậy tại sao rất hiếm người quản lý bệnh viện biết và áp dụng những qui tắc quản lý vào công ty đó. Và cái lí luận rằng bệnh viện phức tạp hơn công ty rất nhiều chỉ chứng tỏ rằng công ty bệnh viện đó rất cần những bộ não ứng dụng nhuần nhuyễn và tinh vi những qui tắc quản lý - lãnh đạo. Trong khi giới kinh doanh đã áp dụng ráo riết, tập trung vào nghiên cứu mỗi ngày để làm cho công việc của họ hiệu quả, tiết kiệm, đem lại giá trị rất lớn cho khách hàng của họ, thì các công ty với đặc tính phức tạp là bệnh viện lại dường như quá hững hờ và đứng ngoài vòng cuộc chơi đang quay với tốc độ chóng mặt. Trong khi người ta đang tận dụng rất nhiều dữ liệu hiện có để tìm ra cơ hội phát triển, thì bệnh viện dường như dửng dưng với tất cả những gì đang xảy ra trong và ngoài bệnh viện, không phải vì chúng ta tự tin đến tự cao vào những điều mình làm, mà vì chúng ta hầu như không biết làm gì và như thế nào.
Bệnh nhân phải chờ hàng giờ để gặp bác sĩ trong 1 phút, bác sĩ phải chờ hàng giờ để được phẫu thuật và rất nhiều ví dụ khác về sự lãng phí. Chúng tôi sẽ phân tích thêm về những lãng phí trong bệnh viện ở một bài viết khác, nhưng để có một cái nhìn về sự lãng phí, ở một nước khoa học quản lý phát triển mạnh mẽ như Mỹ, ước tính 30% chi tiêu trong y tế là lãng phí, số tiền có thể tiết kiệm được khoảng 750 tỷ đô vào năm 2009. Nói như vậy để thấy vai trò của quản lý to lớn như thế nào trong bệnh viện, cái mà hầu như chúng ta chưa quan tâm, cái mà có thể giúp chúng ta đi nhanh hơn bình thường, đi xa hơn bình thường, thậm chí là đuổi kip những nước tiến bộ nếu chúng ta biết cách học từ kinh nghiệm của họ. Chúng ta không phải không có cơ hội, mà bởi vì chúng ta luôn hờ hững với những cơ hội.
2/ Bệnh viện rõ ràng là một tổ chức phức tạp:
Bệnh viện rõ ràng là một tổ chức phức tạp, phức tạp hơn nhiều so với tính chất phức tạp vốn dĩ của bất kì tổ chức nào. Chúng ta dường như đang ở trong một vòng rối rắm của rất nhiều thứ đan chéo nhau: bệnh tật, máy móc, sai sót, tai biến, biến chứng, quá tải, bất đồng ý kiến, mối quan hệ giữa bác sĩ và đồng nghiệp, và bệnh nhân, thậm chí là giữa bác sĩ với nhau, và… rất rất nhiều những thứ khác… và mỗi ngày đi qua, chúng ta lại chìm sâu hơn vào cái đống rắm rối đó. Hãy dừng lại, bước lui lại, bước xa ra, bước cao hơn để có một cái nhìn tổng thể, để hiểu rõ hơn cái tổ chức mà chúng ta đang làm việc, hay rộng hơn là cái hệ thống chăm sóc sức khoẻ, để nhìn thấy những cái mà chúng ta chưa nhìn thấy.
3/ Bác sĩ lúc nào cũng vỗ ngực về những điều mình có thể làm cho bệnh nhân
Hầu hết các bác sĩ lúc nào cũng vỗ ngực về những điều mình có thể làm cho bệnh nhân, hay phẫu thuật viên lúc nào cũng cảm thấy thoả mãn sau những ca mổ từ bình thường đến phức tạp. Nhưng họ quên mất những việc đó chỉ là một phần rất nhỏ trong cái công việc mà họ theo đuổi. Họ cũng quên rằng rất nhiều trường hợp sai sót xảy ra mỗi ngày dẫn đến tốn kém rất nhiều tiền của, công sức, và sinh mạng. Hãy cứ thành thật với bản thân, hỡi những người đang làm "vua" trong bệnh viện, rằng chúng ta có làm gì để hợp tác với những người khác tốt hơn, có biết ngày mai, tháng sau, năm sau, 10 năm sau sẽ làm gì để làm cho công tác khám chữa bệnh tốt hơn, đỡ tốn kém hơn. Người lãnh đạo có thể là bác sĩ hoặc không, nhưng phải có một cái nhìn rộng hơn, xa hơn thay vì chỉ nhìn bệnh nhân ở triệu chứng, thậm chí là ở những xét nghiệm mức độ phân tử.
Ai cũng biết Ngành Y tế của chúng ta có một vị trí khiêm tốn và có rất nhiều những tồn tại, nhưng trong sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và thời đại thế giới đang phẳng dần ra, chúng ta có rất nhiều cơ hội, tuỳ thuộc vào chúng ta nhìn sự việc ở góc độ nào, với thái độ nào.
Nguồn: bác sĩ Phạm Ngọc Trung
Link: http://phamngoctrungmd.blogspot.com/2013/08/ung-dung-quan-ly-vao-he-thong-y-te-tai.html#.WcN9D8hJa01