KÝ SỰ ĐIỆN BIÊN - TUỔI TRẺ VÀ NHỮNG CHUYẾN ĐI
Trong cái tiết trời ấm áp của mùa xuân nơi tỉnh miền núi xa xôi vùng Tây Bắc, tôi có dịp gặp và trò chuyện với anh Trương Hoài Vinh, nhân viên triển khai của công ty Song Ân, hiện đang công tác và làm việc tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.
Chào anh Vinh, anh là người ở đâu? Anh ra công tác ở Điện Biên lâu chưa?
Chào bạn, mình là Trương Hoài Vinh, mình sinh ra và lớn lên ở Tp. Hồ Chí Minh. Mình ra công tác ngoài này từ sau Tết. Cũng mới được hơn tháng rồi.
Anh có thường xuyên công tác ở ngoài này hay không?
Bên mình triển khai phần mềm quản lý y tế ở Điện Biên từ lâu nên phải thường xuyên đi công tác ngoài này. Mỗi lần đi cũng mất vài tháng. Riêng ở huyện Tủa Chùa thì công ty mình bắt đầu triển khai phần mềm Bệnh án điện tử từ năm 2014, nên hiện thời nhiệm vụ của mình là ưu tiên hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ ở Tủa Chùa nắm bắt được công nghệ mới nhanh chóng để đáp ứng kì vọng của ban giám đốc trung tâm.
Quá trình triển khai có những thuận lợi và khó khăn gì không anh?
Khó khăn thì nhiều lắm, như cơ sở vật chất lúc ban đầu còn thiếu thốn. Hồi mình mới ra, thiết bị còn chưa có nhiều, máy móc thì nhiều cái đã cũ, anh em cũng phải cố gắng nỗ lực mới hoàn thành nhiệm vụ được giao. Về sau, nhờ sự quyết liệt trong công tác đổi mới, hiện đại hóa của ban giám đốc trung tâm mà mọi thứ đã có nhiều thay đổi, hiện đại hơn nhiều, không vất vả như ngày xưa nữa.
Ngoài ra, các y bác sĩ còn có nhiều cơ hội áp dụng thực tiển như công việc trên công nghệ vào công việc chính làm mỗi ngày, chưa nắm rõ được thời điểm để làm việc song song vừa chăm sóc bệnh nhân vừa nhập liệu hệ thống phần mềm nên công tác triển khai cũng khá vất vả. Nhiều lúc cũng phải kiên nhẫn từng tí một để hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu cho các y bác sĩ nắm được cách thực hiện.
Khó khăn còn lại chủ yếu là về ăn uống, dân Sài Gòn mà, mới đâu ra ăn uống chưa quen, nhiều hôm chỉ dám ăn cơm với trứng. Bây giờ thì đỡ rồi, ăn khỏe như voi ấy.
Về thuận lợi, ban giám đốc cũng như các cán bộ tại trung tâm có sự quyết tâm và cố gắng trong việc chỉ đạo, học tập và tiếp thu công nghệ mới, hiện đại hóa công nghệ y tế và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Anh em khá là nhiệt tình giúp đỡ và phối hợp nên công tác triển khai hết sức dễ dàng.
Cảm giác của anh như thế nào khi được phục vụ ở miền Tây Bắc, địa đầu Tổ Quốc, còn nhiều khó khăn?
Cảm giác tự hào lắm. Trước đây, khi đọc nhiều bài báo viết về những thanh niên trẻ tình nguyện đến các vùng miền núi xa xôi công tác và làm việc, mình hâm mộ lắm. Hồi đó xem họ như những người hùng của lớp trẻ vậy. Bây giờ có cơ hội thực hiện điều đó, mình thấy hết sức tự hào, như được tiếp thêm động lực để cố gắng hoàn thành công tác một cách tốt nhất.
Không khi ở đây cũng trong lành, không như ở thành phố bụi bặm. Người dân miền núi Điện Biên hết sức lương thiện và hiếu khách. Mình cũng khá là thích một số món ăn ở ngoài này.
Đi công tác xa và thời gian dài thế này thì anh có nhớ nhà không?
Nhớ chứ! Nhưng công việc yêu cầu, lại được đi đây đi đó, được cống hiến sức mình để giúp đỡ mọi người. Cái nhiệt huyết của tuổi trẻ ấy như ngọn lửa làm vơi bớt nỗi nhớ nhà ấy. Mình cũng hi vọng được góp phần nào sức mình cho đất nước, để đem cái chữ, cái công nghệ cho các trung tâm y tế nơi địa đầu Tổ Quốc nhằm thay đổi cách làm việc để thuận lợi, ít khó khăn, giúp đỡ người dân vùng cao có được cuộc sống tốt hơn, được tiếp xúc với những dịch vụ y tế tốt hơn. Nhiều lúc mình cũng nghĩ mỗi lần như thế này là mình đang giúp đỡ để cứu sống rất nhiều sinh mệnh con người vậy. Nhờ thế mà càng có thêm động lực để làm việc tốt hơn, để vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Cám ơn anh vì bài phỏng vấn trên và chúc anh hoàn thành thật tốt nhiệm vụ.
Rời tỉnh Điện Biên nắng ấm, tim tôi lại chợt vang lên câu hát thân thuộc:
“ Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta
Mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay”
Thao khảo thêm: phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm quản lý dược, bệnh án điện tử.
Theo Cao Thi