BÁC SĨ ƠI HÃY MỈM CƯỜI
Bố tôi là một bác sĩ phẫu thuật giỏi, ông đã từng phẫu thuật cho rất nhiều người, có những người rất bình thường, có những người nổi tiếng, có những người giàu có và cả những người nghèo. Có người nhiều năm sau vẫn đến cảm ơn cha tôi vào những ngày lễ tết, có những người không bao giờ gặp lại. Trong số những người không bao giờ quay lại có một cậu bé mà cha tôi luôn nhắc đến mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm về nghề nghiệp của mình với tất cả tình âu yếm.
Cậu bé ấy bị mù, một buổi sáng cậu được đưa đến phòng khám của bố, ở bàn chân có một vết thương lâu ngày và trở nên nguy hiểm đến không chỉ đôi chân mà cả tính mạng của cậu. Mọi người xung quanh cậu đã không quan tâm săn sóc cậu đúng mức, còn cậu bé thì rụt rè, có lẽ cậu đã không muốn làm những người xung quanh phải bận tâm về mình nên đã cố chịu đựng vết thương cho đến khi nó trở nên đau đớn không chịu được.
Trong một năm liền cứ ba lần một tuần cậu đến chỗ bố tôi và bố cắt bỏ hết những chỗ thịt bị hư hại, rồi bôi thuốc, băng bó mà không lấy tiền. Bố nói rằng ước muốn của bố là có thể cứu được đôi chân của cậu bé mù đó bởi bố đoán rằng trong cuộc sống cậu đã gặp khá nhiều thiệt thòi và bất hạnh, bố không muốn phải cưa chân cậu. Nhưng rồi bố thất bại, vết hoại thư đã lan rộng đến mức không cắt bỏ nhanh chóng cậu bé sẽ chết. Bố rất buồn vì điều đó, thậm chí cảm thấy thất vọng về bản thân mình.
Rồi ngày phẫu thuật cũng đến. Bố đứng bên cạnh cô y tá gây mê khi cô ta làm công việc của mình, lặng nhìn cơ thể bé nhỏ ấy đang chìm dần vào giấc ngủ. Sau đó ông chầm chậm giở miếng vải phủ chân cậu bé lên, và ở đó, trên ống chân gầy gò của cậu, bố nhìn thấy một hình vẽ mà cậu đã mò mẫm vẽ trong bóng tối của mình để tặng bố, đó là một gương mặt hay đúng hơn là một hình tròn có hai mắt, hai tai, một cái mũi, một cái miệng đang mỉm cười, ở bên cạnh là một dòng chữ nguệch ngoạc:
"Bác sĩ ơi, hãy mỉm cười".
“Người ta trả tiền cho công sức của bác sĩ; còn tấm lòng và sự tử tế của người bác sĩ vẫn mãi là món nợ ân tình”